Năm 1986-1987: "Chiến tranh giả" Xung_đột_Việt–Trung_1979–1991

Nếu như trong năm 1985, Trung Quốc bắn khoảng 800.000 phát đạn pháo vào Vị Xuyên, trong tổng số khoảng 1 triệu phát đạn pháo trên toàn biên giới, thì số vụ bắn phá trong năm 1986 cho tới đầu năm 1987 giảm hẳn, chỉ còn chừng vài chục ngàn viên đạn pháo một tháng. Đây có lẽ là kết quả của việc Liên Xô, mà cụ thể là Tổng bí thư Gorbachev kêu gọi bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong bài diễn văn tại Vladivostok. Tới tháng 10 năm 1986, Trung Quốc cũng thành công trong việc thuyết phục Liên Xô tiến hành đàm phán về vấn đề Campuchia trong vòng đàm phán thứ 9 giữa Liên Xô và Trung Quốc.[40]

Tuy nhiên, giữa lúc các tín hiệu ngoại giao đang có xu thế trở nên tích cực, thì tình hình biên giới đột nhiên trở lại căng thẳng. Ngày 14 tháng 10 năm 1986, Việt Nam tố cáo Trung Quốc bắn 35.000 phát đạn pháo vào Vị Xuyên, và có những hành động lấn chiếm lãnh thổ. Việt Nam cho biết đã đẩy lui ba đợt tấn công của quân Trung Quốc tại Cao điểm 1100 và cầu Thanh Thủy. Đây có thể là phản ứng của Trung Quốc trước việc Liên Xô từ chối gây sức ép đòi Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia,[41] hoặc để đáp lại các hoạt động quân sự mùa khô mà Việt Nam đang chuẩn bị tại Campuchia. Trong tháng 1 năm 1987, Việt Nam cho biết Trung Quốc tăng cường bắn phá và đưa quân xâm lấn lãnh thổ. Quân Trung Quốc đã bắn hàng chục ngàn phát đạn pháo (60.000 phát pháo riêng trong ngày 8 tháng 1) và mở 15 đợt tấn công với lực lượng tham gia cỡ sư đoàn đánh vào các vị trí quân Việt Nam tại các mỏm 233, 685, 1100 và 1509. Phía Việt Nam cho biết đã gây 1.500 thương vong vào quân Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc cũng tuyên bố đã gây 500 thương vong vào quân Việt Nam, và cho rằng tuyên bố của Việt Nam là phóng đại. Trung Quốc cho biết tổng số thương vong của họ thấp hơn 500.[10] Ngày 5 tháng 10 năm 1987, một máy bay chiến đấu MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắn rơi trên vùng trời huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây.[42]

Theo Carlyle A. Thayer nhận định, giao tranh lần này chỉ mang tính một cuộc "chiến tranh giả". Dù chiến sự diễn ra kịch liệt tại Vị Xuyên, tình hình tại các tỉnh biên giới khác của Việt Nam khá yên tĩnh, và quân Trung Quốc không huy động các đơn vị quân chủ lực trong suốt thời gian xung đột bùng nổ. Tương quan quân sự của hai nước tại vùng biên giới không thay đổi trong thời gian này.[10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Xung_đột_Việt–Trung_1979–1991 ftp://coombs.anu.edu.au/coombspapers/otherarchives... http://books.google.com/books?id=r1wE8uYS9cEC&prin... http://books.google.com/books?id=svBt-hzD53AC&prin... http://www.upi.com/Archives/1980/10/16/Armed-skirm... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hang-nghin-ch... http://www.danwei.org/magazines/the_sino-vietnames... http://www.globalsecurity.org/military/world/war/p... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/07/10... http://www.baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/201307/t... http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/617513/nuo%CC%8...